Tác giả: admin

11 tháng, xuất siêu đạt 20,1 tỷ USD

Đó là số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 11 và 11 tháng đầu ca năm 2020.

Số liệu công bố cho thấy, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, thiên tai khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động, nhưng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê ước tính tháng 11/2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 24,8 tỷ USD, tuy giảm 9% so với tháng trước nhưng đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 73 tỷ USD, tăng 1,6%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,6 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 71,3%.

Trong 11 tháng qua đã có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%.

Trong đó, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã duy trì được đà tăng trưởng tốt, như nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 138 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 90,2 tỷ USD, tăng 1,5%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,7 tỷ USD, giảm 0,1%; nhóm hàng thủy sản đạt 7,7 tỷ USD, giảm 0,9%…

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc là thị trường đứng thứ hai với 43,1 tỷ USD, tăng 16%; thị trường EU đạt 32,2 tỷ USD, giảm 2,4%; thị trường ASEAN đạt 20,9 tỷ USD, giảm 10,6%; Hàn Quốc đạt 17,7 tỷ USD, giảm 2,7%; Nhật Bản đạt 17,3 tỷ USD, giảm 6,5%…

Về hàng hóa nhập khẩu, tính riêng trong tháng 11/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,2 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 85,43 tỷ USD, giảm 9,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 149,07 tỷ USD, tăng 9,2%.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất nhập khẩu lớn nhất ước tính đạt 218,8 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,7 tỷ USD, tăng 0,5% và chiếm 6,7%…

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 42 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 27,3 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 4,8%; thị trường EU đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3%; Mỹ đạt 12,6 tỷ USD, giảm 3,6%…

Như vây, trước bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 11 tháng qua vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm 2019 xuất siêu đạt 10,8 tỷ USD), trở thành điểm sáng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Con số trên đã cho thấy những nỗ lực mở cửa thị trường của Chỉnh phủ Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, những buổi giao thương trực tuyến, và từ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã làm nên con số tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng qua, tạo nên kỷ lục xuất siêu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều quốc gia trong khu vực tiếp tục giảm hoặc tăng trưởng chậm lại thì kết quả tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam duy trì cán cân thương mại thặng dư trong 11 tháng đầu năm là sự nỗ lực rất lớn của nền kinh tế. Ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại sẽ tạo nguồn lực giúp gia tăng dự trữ ngoại hối, là “bệ đỡ” vững chắc để ổn định tỷ giá.

Đóng điện Nhà máy điện mặt trời Thành Long Phú Yên

Công ty Điện lực Phú Yên vừa phối hợp Công ty CP Điện mặt trời Thành Long Phú Yên (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) tổ chức đóng điện và đưa vào vận hành an toàn đường dây và trạm biến áp 110kV Nhà máy điện mặt trời Thành Long Phú Yên.

Ảnh minh họa

Dự án Nhà máy điện mặt trời Thành Long Phú Yên có tổng công suất lắp đặt 50MWp; gồm xây dựng mới 1 trạm biến áp 110kV Thành Long có công suất 45MVA để nâng áp và 21,78km đường dây 110kV Tuy Hòa 220 – điện mặt trời Thành Long Phú Yên đấu nối và truyền tải lên hệ thống điện quốc gia. Sau khi đưa vào vận hành, dự án sẽ tạo nguồn điện bổ sung cho lưới điện tỉnh Phú Yên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế trong khu vực.

Tính đến tháng 11/2020, Phú Yên có 5 dự án điện mặt trời đấu nối vào lưới điện 110kV do Công ty Điện lực Phú Yên quản lý với tổng công suất 250MWp. Các dự án góp phần giảm áp lực về nhu cầu nguồn điện, đồng thời đảm bảo việc cung cấp điện liên tục với nhu cầu phụ tải ngày càng tăng của tỉnh.

Bộ Công Thương thông tin về các dự án điện gió ngoài khơi

Bộ Công Thương vừa có công văn số 8214/BCT-ĐL ngày 29/10/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết sổ 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chỉ đạo “Đối với điện gió và điện mặt trời: ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá điện năng hợp lý. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (Danish Energy Agency) nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam, trong đó xác định cơ cấu phát triển điện gió ngoài khơi theo từng giai đoạn, các khu vực ngoài khơi tiềm năng phát triển điện gió. Kết quả nghiên cứu này sẽ được xem xét tích hợp trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Kết quả nghiên cứu đưa ra 25 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định (fix bottom foundation) và 17 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng nổi (floating foundation). Trong đó, khu vực tỉnh Bình Thuận được xác định có 4 vị trí phù hợp để phát triển điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định.

Riêng đối với tỉnh Bình Thuận: ngày 16/12/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản số 9611/BCT-ĐL gửi UBND tỉnh Bình Thuận về các đề xuất phát triển điện gió ngoài khơi khu vực tỉnh Bình Thuận, trong đó Bộ đã nêu một số khó khăn thách thức như chồng lấn vị trí với quy hoạch khác như vận tải đường biển, chưa xác định giá điện gió ngoài khơi sau thời điểm tháng 11/2021, chưa nghiên cứu phương án giải tỏa công suất tổng thể cho khu vực.

Theo các báo cáo về khả năng giải tỏa công suất các dự án điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại văn bản số 5891/EVN-KH ngày 31/8/2020 và văn bản số 6710/EVN-KH ngày 7/10/2020, khu vực tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận không còn khả năng giải tỏa thêm công suất các dự án năng lượng tái tạo đến năm 2023.

 

Về chủ trương khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi: hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định riêng trình tự thủ tục khảo sát phát triển cho dự án điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, Bộ Công Thương kiến nghị có thể xem xét áp dụng một số quy định liên quan đến biển và hải đảo như sau: theo quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, rà soát dự án, trình Thủ tướng Chính phủ chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cùng với đó là Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Nghị định quy định việc giao khu vực biển nhất định trên các vùng biển Việt Nam cho tổ chức, cá nhân để khai thác, sử dụng tài nguyên biển theo giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép hoặc quyết định cho phép khai thác của cơ quan. Trong đó quy định thẩm quyền quyết định giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Điều 10 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP).

Hiện nay, các dự án điện gió gần bờ (trong phạm vi 3 hải lý), đang trình Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất chủ trương khảo sát phát triển dự án.

Về các dự án điện gió ngoài khơi đã có chủ trương khảo sát: trong các dự án điện gió đang đề xuất bổ sung quy hoạch phát triển điện lực toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương khảo sát dự án điện gió Thăng Long Wind (ngoài khơi mũi Kê Gà) tỉnh Bình Thuận với quy mô công suất 3.400 MW tại văn bản số 4917/VPCP-QHQT ngày 6/6/2019 của Văn phòng Chính phủ. Các dự án điện gió trên biển khác đang đề xuất bổ sung quy hoạch do UBND các tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, trước khi hoàn thiện hồ sơ bổ sung quy hoạch gửi Bộ Công Thương thẩm định.

Đối với riêng dự án điện gió Thăng Long Wind: Bộ Công Thương đã có các văn bản số 6397/BCT-ĐL ngày 27/8/2020, văn bản số 4556/BCT-ĐL ngày 24/6/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sự cần thiết, tiến độ các giai đoạn của dự án trong Quy hoạch điện VIII để tính toán phương án phát triển lưới điện đảm bảo giải tỏa công suất nguồn điện gió.

Các dự án điện gió ngoài khơi đang đề nghị chủ trương khảo sát/bổ sung quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và các địa bàn khác:

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận: ngoài dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương khảo sát với quy mô 3.400 MW, UBND tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trương khảo sát 5 dự án điện gió ngoài khơi khác với tổng công suất 14.200 MW. Thứ nhất, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất 3.500 MW theo đề xuất của Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á (đại diện Liên danh nhà đầu tư Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners – Công ty TNHH Novasia Energy). Thứ hai là dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Bình Thuận với công suất dự kiến 5.000 MW cho Liên danh nhà đầu tư do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình làm đại diện tại văn bản số 2087/UBND-KT ngày 3/6/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận và nêu “Nhà đầu tư cam kết trường hợp dự án không khả thi hoặc không được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Liên danh hoàn toàn chịu trách nhiệm và không có bất kỳ điều kiện nào đối với tỉnh Bình Thuận”. Thứ ba là dự án điện gió ngoài khơi Hàm Thuận Nam với tổng công suất 900 MW theo đề xuất của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi. Thứ tư là dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong tổng công suất 1.000 MW theo đề xuất của Công ty CP Zarubezhneft và Công ty DEME Concessions Wind. Cuối cùng là dự án điện gió biển Cổ Thạch với tổng công suất 2.000 MW theo đề xuất của nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư HLP.

Bên cạnh đó, một số địa phương khác cũng đề nghị khảo sát phát triển dự án điện gió trên biển và bổ sung quy hoạch như: Bà Rịa – Vũng Tàu: 4 dự án với quy mô công suất 1.463 MW; Bạc Liêu: 18 dự án với quy mô công suất 3.717 MW; Bến Tre: 38 dự án với với quy mô công suất 6.651 MW; Bình Thuận: 8 dự án với với quy mô công suất 22.200 MW (bao gồm cả dự án Thăng Long Wind); Cà Mau: 26 dự án với với quy mô công suất 7.317 MW; Hà Tĩnh: 7 dự án với với quy mô công suất 1.091 MW; Ninh Thuận: 2 dự án với quy mô công suất 4.380 MW; Quảng Bình: 2 dự án với quy mô công suất 909 MW; Sóc Trăng: 19 dự án với quy mô công suất 6.307 MW; Tiền Giang: 3 dự án với quy mô công suất 881 MW; Trà Vinh: 30 dự án với quy mô công suất 6.208 MW.

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất điện gió trên biển đang đề xuất là rất lớn nên cần tính toán tổng thể cơ cấu nguồn điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII để tránh việc thực hiện khảo sát riêng lẻ gây lãng phí xã hội.

Việc phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương phát triển điện gió ngoài khơi để bổ sung công suất nguồn điện cho hệ thống, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện trong cơ cấu nguồn của hệ thống điện Việt Nam.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét: giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện đề án Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam (với sự phối hợp của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Đan Mạch) để đưa vào Quy hoạch điện VIII. Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII được duyệt, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cấp chủ trương khảo sát đối với các dự án điện gió ngoài khơi để triển khai thực hiện theo quy hoạch. Giao Bộ Công Thương có văn bản gửi Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) để thông tin về các nội dung liên quan đến quy hoạch vả chủ trương khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi nêu trên.

Bộ Công Thương đề xuất kéo dài giá FIT điện gió đến hết năm 2023

Mới đây, Bộ Công Thương mới có văn bản gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án giải quyết khó khăn trong đầu tư các dự án điện gió, trong đó đề xuất kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió đến hết năm 2023.

Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nêu, trong thời gian qua, Bộ đã nhận được các báo cáo của UBND 10 tỉnh, Hiệp hội điện gió thế giới, Phòng thương mại châu Âu… đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét gia hạn thời hạn áp dụng cơ chế giá điện gió cố định tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 cho các dự án vào vận hành thương mại đến năm 2022- 2023 (gia hạn 1 – 2 năm)

Các nguyên nhân được chỉ ra cụ thể như: sau thời điểm Quyết định 39/2018/QĐ-TTg có hiệu lực (1/11/2018), hoạt động đăng ký đầu tư và bổ sung quy hoạch đối với các dự án điện gió mới và các dự án truyền tải để tiếp nhận, giải tỏa công suất bị ngừng trệ hơn 1 năm do chưa có các hướng dẫn thực hiện. Nhiều dự án đã được bổ sung quy hoạch vào tháng 12/2019 với công suất 7.000 MW (Nghị quyết 110 của Chính phủ ngày 2/12/2019) cần thời gian triển khai khoảng 2 – 3 năm trong khi thời hạn hiệu lực còn lại của cơ chế giá điện cố định theo quy định tại Quyết định 39 không đủ để nhà đầu tư triển khai các hoạt động, chuẩn bị và thực hiện xây dựng dự án điện gió.

Bên cạnh đó, các dự án điện gió trong quy hoạch phát triển tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ hầu hết là các dự án trên biển, gần bờ. Các dự án trên biển sử dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật, thi công khác do với turbine lắp đặt trên bờ. Vì vậy yêu cầu về thời gian chuẩn bị dự án, thi công xây dựng dài hơn (trên bờ khoảng 2 năm, trên biển gần bờ khoảng 3 – 3,5 năm).

Đồng thời các quy định về xác định khu vực biển, cấp giấy pháp sử dụng khu vực biển khá phức tạp, hiện chưa có quy định về xác định diện tích khu vực biển để tính tiền sử dụng khu vực biển… dẫn đến kéo dài thời gian và gia tăng chi phí đối với cá dự án trên biển.

Ngoài ra, do dịch COVID-19 kéo dài toàn cầu đã và đang tác động đến nguồn cung cấp thiết bị điện gió, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án.

Trên cơ sở đề xuất và căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công Thương cho rằng, việc kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá giá FIT cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 là phù hợp, đảm bảo kịp thời huy động phát triển nguồn điện gió để cung cấp điện cho hệ thống. Bên cạnh đó, sẽ tác động đối với chi phí huy động điện toàn hệ thống như giảm chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ 103 – 1.35 triệu USD/năm trong giai đoạn 2020 – 2030; phát triển thị trường thiết bị, dịch vụ và vốn đầu tư nước ngoài cũng như thay thế một phần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương đề xuất kéo dài giá FIT điện gió đến hết năm 2023. (Ảnh minh hoạ)

Theo đề xuất, giá mua bán điện gió cho cơ chế giá FIT (áp dụng từ 1/11/2021) đối với dự án đưa vào vận hành từ tháng 11/2021 đến tháng 12/2022 sẽ có giá 7,02 UScent/kWh (dự án trên bờ); 8,47 UScent (dự án trên biển); đối với dự án đưa vào vận hành trong năm 2023 có giá tương ứng với các loại hình lần lượt là 6,81 UScent và 8,21 UScent.

Đối với các dự án được cơ quan có thẩm quyền cho phép giãn tiến độ đầu tư và có ngày vận hành thương mại sau năm 2023, dự kiến áp dụng tỉ lệ giảm giá lũy kế theo tỉ lệ 2,5% sau mỗi quý, tính từ tháng 2/2024.

Do đó, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tại Quyết định 39 đến hết năm 2023. Đồng thời giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp các Bộ, ngành tính toán giá mua bán điện áp dụng từ tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2023 cho các dự án điện gió và thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung các nội dung này tại Quyết định 39 theo quy định hiện hành, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt.

Các ý kiến đóng góp cho dự thảo, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành hoàn thành trước ngày 30/10 để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo congthuong

Độc đáo vườn chanh leo ngọt tiền tỉ

Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, chủ vườn là ông Nguyễn Thành Công (Sáu Công, 57 tuổi, ngụ xã Song Phụng, H.Long Phú, Sóc Trăng) đã thu trên 600 triệu đồng tiền bán chanh trái và chanh giống.
Chanh leo ngọt 
dùng ăn tươi hoặc làm nước giải khát
Chanh leo ngọt dùng ăn tươi hoặc làm nước giải khát
Ông Nguyễn Thành Công là người đầu tiên ở miền Tây ghép thành công giống chanh leo có vị ngọt, mang lại hiệu quả kinh tế ngoài mong đợi. Lúc đầu, nghe nói chanh dây (chanh leo) có vị ngọt, tôi cũng như nhiều người không khỏi bán tin bán nghi. Nhưng khi tới vườn của ông Sáu Công thì ai nấy đều ngạc nhiên vì đó là sự thật. Dưới những giàn chanh xanh mướt, trải dài mút mắt là hàng ngàn trái chanh cũng tròn, treo lủng lẳng. Ông Sáu Công với tay hái mấy trái chín vàng rồi cắt ra làm hai, mời mọi người thưởng thức. Đúng là chanh có vị ngọt và thơm. Vị ngọt pha chút chua rất đậm đà và hấp dẫn.

Thuần phục giống cây mới

Ông Sáu Công cho biết trước khi trồng chanh dây ông có nhiều năm trồng cam, chanh, quýt, bưởi. Một lần xem thông tin trên mạng, thấy quảng cáo chanh leo ngọt có nguồn gốc từ Colombia, ăn vào có lợi cho sức khỏe nên ông tìm mua 10 hạt giống về trồng. “Trong 10 hạt giống được ươm, có 5 hạt nảy mầm và chỉ 2 dây cho trái, trong đó một dây cho trái ngọt. Sau khi thưởng thức mùi vị đặc trưng của trái chanh ngọt, tôi mừng như trúng số”, ông Sáu Công kể.
Qua một thời gian chăm sóc, ông Sáu Công nhận thấy giống chanh này tuy cho trái ngọt nhưng lại không thích hợp với vùng nước mặn và đất nhiễm phèn nên cây cằn cỗi, trái ít, mau tàn. Lúc bấy giờ, nhiều bạn bè khuyên ông nên chọn giống khác cho phù hợp, song với tính năng động, yêu thích khoa học, yêu nghề vườn, ông quyết tâm theo đuổi, tìm cách khắc phục cho chanh phát triển ở vùng nước mặn.
Qua kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về các giống cây trồng, ông Sáu Công biết rõ loại cây nào chịu mặn, loại nào chịu lợ và ngọt. Vì vậy, sau nhiều lần “nâng lên đặt xuống”, ông quyết định chọn gốc nhãn lồng (lạc tiên) – loại cây sống rất khỏe ở vùng nước mặn và lợ, thử ghép chung với dây chanh. Không ngờ lần thí nghiệm đó thành công và đạt kết quả như mong muốn.
Độc đáo vườn chanh leo ngọt tiền tỉ - ảnh 1

Ông Sáu Công giới thiệu những trái chanh leo sắp thu hoạch

Nhân rộng tới các nhà vườn

Năm 2019, ông mang chanh dây ngọt tham dự Hội thi trái ngon và an toàn Nam bộ lần thứ 11 tại TP.HCM nhưng chỉ nhận được giải khuyến khích vì sản phẩm chưa có giấy chứng nhận nguồn gốc. Từ những dây chanh ghép, ông mang ra trồng đại trà, cây phát triển rất nhanh và khỏe. Sau 5 tháng chăm sóc, dây bò sum suê, xanh mướt, bò tới đâu ra trái tới đó, trái rất sai, cứ mỗi mắt lá một trái đều đặn.

Nông dân giỏi cấp tỉnh

Ông Trần Hữu Thành, Phó bí thư Đảng ủy xã Song Phụng, cho biết ông Sáu Công là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền; từng được nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, mô hình trồng chanh leo ngọt của ông Sáu Công vừa mới lạ vừa cho năng suất cao, đầu ra ổn định, cây giống dồi dào. Hướng tới, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ ông làm thủ tục xin giấy chứng nhận về nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình trồng chanh leo ngọt mở rộng, góp phần nâng cao đời sống nông dân địa phương.

Ông Sáu Công cho biết đầu tiên ông xuống giống 15 dây, nay phủ xanh được 6 công, trong đó 3 công đã cho trái, giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng/kg. Loại chanh dây ngọt dùng ăn tươi hoặc làm nước uống đều rất ngon. Ngoài bán trái, ông còn bán cây giống. Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã cung cấp cây giống cho cả nước trên 6.000 dây với giá 80.000 – 100.000 đồng/dây (bán hàng trực tiếp và online), hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại dây leo khác. “Tính từ năm 2019 đến nay tôi thu trên 600 triệu đồng từ tiền bán chanh trái và chanh giống, chưa kể nguồn thu các mặt hàng nông sản khác”, ông Sáu Công chia sẻ và cho biết hướng tới sẽ mở rộng diện tích, phát triển quy mô lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng để đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Chia sẻ thêm về “bí quyết” thành công, ông Sáu Công cho biết trồng chanh leo ghép nhãn lồng không tốn nhiều tiền đầu tư, chỉ cần mặt bằng rộng và giàn leo vững chắc. Nhờ ghép với gốc nhãn lồng, một loại dây leo hoang dã, nên chanh phát triển rất mạnh, đạt năng suất cao. “Nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tôi hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế đối đa việc dùng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật”, ông Sáu Công nói.
Theo Thanhnien

Công ty TNHH Điện cơ Minh Thái

Minh Thai Mechanical Electrical Company Limited

Kết nối với chúng tôi:
  • Thông tin liên hệ
    Địa chỉ: Số 46, ngõ 21 đường Tựu Liệt, Thị trấn Vắn Điển, Huyện Thánh Trì, TP. Hà Nội
    Điện thoại: 043.861.2994
  • ĐĂNG KÝ KINH DOANH
    Giấy phép kinh doanh số 0102751943 do Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp
  • NGƯỜI ĐẠI DIỆN
    NGUYỄN THẾ TÙNG
    Chủ doanh nghiệp


Văn phòng đại diện Hà Nội: Số 1 Ngách 31 ngõ 298 Đường Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội
Điện thoại: 0907.411.866 | Email: contact@thuanloi.com | Website: https://www.thuanloi.com.vn